Lionesses tuyên bố họ là nhóm nhạc nam đầu tiên của Kpop công khai thuộc cộng đồng LGBTQ+. Nhóm ra mắt khán giả với ca khúc “Show Me Your Pride”.
Xem thêm: 10 nhóm nhạc và thần tượng KPop quyền lực nhất làng giải trí
Dù sự hiện diện của cộng đồng LGBTQ+ đang gia tăng tại Hàn Quốc, chỉ có một số người nổi tiếng có thể công khai bản thân thuộc cộng đồng này, như nam diễn viên Hong Seok Cheon, rapper Aquinas, ca sĩ nhạc trot Kwon Do Woon, nam ca sĩ solo Holland và nhóm nhạc nữ chuyển giới Lady.
Hàn Quốc hiện không có biện pháp phòng ngừa nạn phân biệt đối xử liên quan tới cộng đồng tính dục thiểu số, và những kỳ thị xã hội gắn liền với LGBTQ+ còn mạnh mẽ. Trước khi thành công quay lại giới giải trí vào năm 2013, bản thân nam diễn viên Hong Seok Cheon từng không có cơ hội xuất hiện trên TV trong suốt 3 năm sau khi anh công khai là người đồng tính.
Theo Pinknews, nhóm nhạc Kpop 4 thành viên mới, Lionesses, muốn thử thách và góp phần thay đổi điều này bằng cách công khai xu hướng tính dục của bản thân một cách đầy tự hào. Lionesses khẳng định họ chính là “nhóm nhạc nam công khai thuộc cộng đồng LGBTQ+ đầu tiên của Kpop”.
Nhóm nhạc LGBTQ+ công khai đầu tiên của Kpop
Ngày 1/11, nhóm phát hành bài hát đầu tiên Show Me Your Pride. Với giai điệu sôi động, ca khúc truyền cảm hứng mang thông điệp mạnh mẽ về cuộc đấu tranh của LGBTQ+ trong cuộc sống thường ngày, bao gồm quá trình công khai, khó khăn khi phải đối mặt với nạn kỳ thị, phân biệt đối xử tại Hàn Quốc và cảm giác cô đơn trước khi tìm được “cộng đồng riêng của mình”.
Trong MV cho Show Me Your Pride, các thành viên của Lionesses đeo mặt nạ gần như xuyên suốt toàn bộ video. Sau đó, tại cuối MV, một người quyết định gỡ bỏ mặt nạ và tiết lộ danh tính của mình.
“Hãy cho tôi thấy sự tự hào của bạn. Vì bạn là người tỏa sáng như những ngôi sao”, nhóm nhạc khẳng định trong phần mô tả của MV.
Trong cuộc phỏng vấn với TW News, nhóm trưởng Bae Dam Jun cho biết từ khóa chính của Show Me Your Pride là lời khẳng định “chúng tôi là chính mình”. Tên của nhóm nhạc – Lionesses – mang ý nghĩa “sư tử cái của đồng bằng thảo nguyên”.
“Chúng ta rất dễ nghĩ rằng động vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái châu Phi, thứ chúng ta thường chứng kiến thông qua phương tiện truyền thông, là con sư tử đực với cái bờm rậm rạp. Nhưng cuối cùng, kẻ thống trị miền đồng bằng thực chất là sư tử cái. Đó là một nhóm sư tử cái phụ trách việc săn bắt của bầy đàn”, Bae giải thích ý nghĩa đằng sau tên gọi của nhóm.
Bae cho rằng khi người thuộc cộng đồng LGBTQ+ chiến đấu để chống lại nạn kỳ thị trên thế giới, họ có thể đối mặt với khó khăn vượt ngoài khả năng kiểm soát của họ. Âm nhạc của Lionesses nhằm truyền tải thông điệp: “Khi bạn gặp thử thách tưởng chừng không thể vượt qua, chúng tôi sẽ trở thành cộng đồng riêng của bạn. Cùng với nhau, chúng ta có thể vượt qua khó khăn”.
Cuộc đấu tranh của cộng đồng LGBTQ+ trong truyền thông đại chúng
Cuộc đấu tranh của cộng đồng LGBTQ+ tại Hàn Quốc hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt khi đạo luật chống phân biệt đối xử thường xuyên được thảo luận giữa các chính trị gia, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đạo luật này sớm được ban hành.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng được biết đến như quốc gia – nơi nạn kỳ thị, phân biệt đối xử còn diễn ra một cách nặng nề.
Năm 2020, cộng đồng LGBTQ+ của Hàn Quốc buộc đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội sau khi sự bùng phát sớm của Covid-19 có liên quan đến một số hộp đêm dành cho người đồng tính tại khu vực Itaewon, Seoul. Thay vì chỉ ra và lên án hành động không tuân thủ quy tắc phòng chống dịch bệnh, nhiều người lợi dụng sự việc này để tấn công cộng đồng LGBTQ+, nhắm vào xu hướng tính dục của họ.
Tới tháng 10, tòa án Hàn Quốc đưa ra phán quyết quân đội nước này đã có hành động phân biệt đối xử bất hợp pháp đối với binh sĩ chuyển giới Byun Hui Su, khiến cô buộc giải ngũ vào năm 2019. Phán quyết được ban hành vào 7 tháng sau khi cô tự kết liễu sinh mạng của mình.
Để xóa bỏ sự kỳ thị nặng nề với cộng đồng LGBTQ+, ngành giải trí Hàn Quốc đang bỏ ra nỗ lực đáng kể nhằm tăng cường sự hiện diện của cộng đồng tính dục thiểu số trong nền văn hóa đại chúng tại quốc gia này.
Cụ thể, vào tháng 6, nữ ca sĩ Tiffany Young (SNSD) đã tham gia chiến dịch ủng hộ tháng Tự hào – tháng ủng hộ, tôn vinh và đấu tranh xóa bỏ kỳ thị với cộng đồng LGBTQ+ – của Neon Milk. Bên cạnh Tiffany, một số ngôi sao khác như Kevin Woo (U-KISS), Jo Kwon (2AM) cũng lên tiếng vinh danh cộng đồng trong tháng Tự hào.
Hiện có ngày càng nhiều ngôi sao công khai bản thân thuộc cộng đồng tính dục thiểu số đang tích cực hoạt động trong nền âm nhạc Hàn Quốc, như nam ca sĩ Holland – thần tượng đồng tính nam công khai đầu tiên – và ca sĩ solo R&B MRSHLL.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, một số thành viên trong các nhóm nhạc Kpop cũng quyết định công khai xu hướng tính dục của mình trước công chúng, bao gồm Jiae (Wa$$up) và NAVINCI (cựu thành viên nhóm nhạc ToppDogg). Họ lần lượt tiết lộ bản thân là người song tính và vô tính luyến ái. Trong quá khứ, nữ ca sĩ chuyển giới nổi tiếng Harisu và nhóm nhạc nữ chuyển giới Lady cũng hoạt động tích cực trong giới giải trí.
Ngoài ra, có thể thấy ngày càng nhiều nghệ sĩ Kpop bắt đầu lên tiếng ủng hộ quyền LGBTQ+, như RM (BTS), Yves (LOONA), Moon Byul (MAMAMOO), Vernon (SEVENTEEN)… Có không ít trường hợp các ngôi sao nổi tiếng phát hành MV với sự tham gia của nhân vật thuộc cộng đồng tính dục thiểu số.
Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đồng thời chứng kiến một số thay đổi rõ rệt. Khi so sánh với quá khứ, sự hiện diện của nhân vật LGBTQ+ tại các bộ phim dành cho đại chúng như Itaewon Class, Mine, Nevertheless, Hometown Cha-Cha-Cha… được đánh giá như bước tiến quan trọng trong công cuộc đấu tranh của cộng đồng LGBTQ+.
Dù còn nhiều tranh cãi, không ít người dân Hàn Quốc cho rằng việc thúc đẩy sự hiện diện của cộng đồng LGBQT+ trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc là điều cần thiết.
Họ cho rằng sự kỳ thị chống lại quyền LGBTQ+ sẽ “không tự biến mất nếu chúng ta chỉ ngồi chờ đợi”. Ngược lại, mọi người – đặc biệt là những nhân vật có sức ảnh hưởng trong xã hội – cần tích cực hành động để xóa bỏ tình trạng kỳ thị cộng đồng LGBTQ+ nói riêng và vấn nạn phân biệt đối xử trong xã hội Hàn Quốc nói chung.